Xác định công tác thông tin truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, Chi cục đã triển khai bằng nhiều hình thức và có hiệu quả. Chi cục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm đã thực hiện tuyên truyền 29 tin, bài trên Báo Hải Dương; 30 tin, bài trên Bản tin Y tế, Website của Sở Y tế; phát sóng và đưa tin 23 phóng sự, chuyên mục trên Đài phát Thanh và Truyền hình tỉnh. Viết, cập nhật 60 tin bài về an toàn thực phẩm trên Website An toàn thực phẩm. Tổ chức 04 lớp tập huấn về ATTP cho 310 người tham gia; 01 lớp tập huấn chuyên môn cho 60 cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm của 12 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra Chi cuc ATVSTP tỉnh kiểm tra một cơ sở thức ăn đường phố tại xã Đồng Tâm, Ninh Giang
Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trong năm Chi cục đã thực hiện kiểm tra 190 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện 22 cơ sở vi phạm, phạt tiền 14 cơ sở với số tiền 204 triệu đồng. Tổ chức giám sát tại 97 bếp ăn tập thể của các công ty tại một số khu công nghiệp Đại An, Tân Trường, Phúc Điền và các cụm khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, lấy 80 mẫu thực phẩm trong đó có 4 mẫu không đạt...
Trong năm 2024, Chi cục ATVSTP đã Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 277 cơ sở; cấp 202 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và tiếp nhận 296 hồ sơ tự công bố sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Thực hiện tiếp nhận và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho 10 hồ sơ.
Đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, hiện trong công tác quản lý đơn vị cũng còn gặp một số khó khăn về kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế. Kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông về ATTP; thanh tra, kiểm tra lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu...còn thiếu. Việc kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu nguy cơ mới chỉ thực hiện với quy mô hạn chế, số lượng mẫu và chỉ tiêu kiểm nghiệm còn ít so với thực phẩm sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn. Vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa phản ánh đúng, đầy đủ thực trạng mối nguy về ATTP. Cơ sở vật chất, hạ tầng về công nghệ thông tin tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu, chưa được nâng cấp thường xuyên nên việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin tiên tiến và chuyển đổi số để phục vụ hoạt động quản lý ATTP tại đơn vị còn gặp khó khăn.
Nhân lực quản lý về ATTP ở các tuyến còn mỏng. So với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quản lý thì số nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về ATTP còn thiếu. Nhân sự phụ trách về công tác ATTP của tuyến huyện/xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP tại các địa phương còn gặp nhiều hạn chế. Hiện nay, biên chế của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có 11/12 chỉ tiêu biên chế được giao. Vì vậy, biên chế làm công tác ATTP của ngành y tế còn thiếu so với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao nên nhiều cán bộ công chức phải kiêm nhiêm nhiều vị trí, việc làm khác nhau. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, theo mùa vụ thường xuyên biến động, có nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động vào đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành. Tích cực tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho mọi đối tượng: người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và người quản lý làm công tác ATTP; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tuyến huyện/xã triển khai, thực hiện các hoạt động ATTP. Tăng cường triển khai công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm; theo dõi và thông tin kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm cho nhân dân để biết và chủ động lựa chọn thực phẩm.