Chiến lược 2X đã phát huy được tính chủ động trong công tác phát hiện bệnh lao sớm, tiến tới điều trị sớm, hiệu quả, giảm thời gian lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nhanh số người mắc lao. Đặc biệt tập trung xét nghiệm cho nhóm đối tượng có nguy cơ mắc lao cao như sống trong gia đình có bệnh nhân lao, người nhiễm HIV, mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn, sức đề kháng kém….
Những năm gần đây, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã phối hợp tổ chức khám chủ động phát hiện bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Trong quá trình sàng lọc, mỗi người dân tham gia tầm soát bệnh lao đều được thực hiện chụp X-quang và xét nghiệm Xpert, thử phản ứng Mantoux (là test da dùng để phát hiện một người đã từng bị nhiễm trực khuẩn lao) để phát hiện sớm nếu mắc bệnh lao, đồng thời cũng tầm soát phát hiện những người mắc lao tiềm ẩn. Chiến lược này giúp các đơn vị y tế kịp thời có các biện pháp can thiệp, điều trị cắt nguồn lây cho cộng đồng và chặn nguy cơ tiến triển thành bệnh lao cho những người mắc lao tiềm ẩn sau này.
Hướng dẫn người nghi lao lấy đờm xét nghiệm
Trong 2 năm qua (2022-2023), 2.257 bệnh nhân lao được thu nhận quản lý điều trị (85 bệnh nhân lao kháng thuốc). Bên cạnh số lượng bệnh nhân được phát hiện thụ động tại các cơ sở y tế, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã: Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn, Chí Linh, Hải Dương chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X thực hiện khám sàng lọc các bệnh về lao, hô hấp cho 32.132 người, chụp Xquang 31.933 người; xét nghiệm Gene Xpert 2.523 người, thu nhận 89 bệnh nhân lao đưa vào quản lý điều trị.
Tính đến tháng 2 năm 2024 toàn tỉnh hiện đang quản lý 492 bệnh nhân lao thường, 47 bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện đang quản lý điều trị 41 bệnh nhân lao các thể và 3 ca lao kháng thuốc, Thành phố Hải Dương đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân lao. Tháng 6/2023 Trung tâm Y tế Thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Hải Dương khám sàng lọc phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn cho 7.059 người dân trên địa bàn, 100% đối tượng được chụp Xquang phổi, phát hiện 325 người có tổn thương nghi lao, thực hiện xét nghiệm Gene Xpert 296 người, xét nghiệm Mantoux 428 người, phát hiện 39 bệnh nhân lao tiềm ẩn.
Chụp Xquang trên xe lưu động
Phát hiện mắc lao trong chiến dịch sàng lọc tại cộng đồng, Ông Nguyễn Văn T (57 tuổi, ở TP Hải Dương) cho biết: “Tôi tham gia khám sàng lọc khi có đoàn cán bộ y tế về phường thực hiện chụp Xquang và xét nghiệm các bệnh về hô hấp, lúc đó cơ thể tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, không có dấu hiệu của bệnh tật, đặc biệt là bệnh lao"
Lo ngại số bệnh nhân đang mắc lao trong cộng đồng có thể còn lớn hơn nhiều so với số liệu phát hiện được, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: nhiều bệnh nhân bị mắc lao nhưng không biết, chỉ đến khi ho, sốt kéo dài, khó thở, thậm chí gặp biến chứng như tràn khí màng phổi, ho ra máu…mới tìm đến bệnh viện. Lúc này việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và có nguy cơ để lại di chứng.
Trao đổi về lợi ích của việc khám phát hiện bệnh lao chủ động ở cộng đồng, Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Hoài Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương chia sẻ: Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Bệnh nhân lao phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả điều trị bệnh sẽ cao hơn và không để lại di chứng nhiều. Bằng việc tăng cường đưa chiến lược 2X đến cộng đồng tạo thuận lợi để người dân tại các địa phương được tiếp cận, khám và điều trị trong trường hợp mắc lao, lao tiềm ẩn góp phần khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng. Bên cạnh việc khám sàng lọc, cán bộ y tế tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao.