Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng lên rất nhiều và đi liền với đó là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chưa xóa được nỗi lo Bà Nguyễn Thị Hồng ở khu dân cư số 8, phường Quang Trung cho biết: Thông qua các phương tiện thông đại chúng, chúng tôi được biết vẫn còn những nông dân, người kinh doanh vì muốn có lợi nhuận cao, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, vẫn buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, dùng hóa chất bảo quản thực phẩm gây bức xúc trong dư luận. Dù biết độc hại nhưng chúng tôi vẫn phải mua, vẫn phải ăn, đặc biệt là những mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả,... Theo chị Phạm Tú Anh, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương): Hiện nay, vấn đề người tiêu dùng luôn lo ngại vẫn là thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tại một số chợ, tôi vẫn thấy có những loại bánh kẹo, thực phẩm sản xuất theo thời vụ được bày bán hoặc giới thiệu thông qua những người thân quen, được đóng túi trong tình trạng “3 không”: Không nguồn gốc, địa chỉ sản xuất; không nhãn mác; không hạn sử dụng”. Chúng tôi đặc biệt lo ngại các sản phẩm thịt lợn, bò, gà, vịt... không rõ nguồn gốc hay có sử dụng chất cấm, vì chúng ta rất khó phân biệt được bằng mắt thường. Mặt khác, vẫn còn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng khiến cho thị trường tồn tại các loại thực phẩm không sạch. Mong rằng, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh để những sản phẩm bẩn đến tay người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm tết Để các loại thực phẩm lưu thông, bày bán, cung cấp cho người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh trong dịp Tết nguyên đán 2023, Chi cục ATVSTP tỉnh đã có nhiều hoạt động tăng cường tuyên truyền, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. 
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm tương ớt Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cụcATVSTP tỉnh cho biết: các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện đã có ý thức cao về an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm uy tín đã đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, tự phát chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu để sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vẫn còn diễn ra với diễn biến khó lường. Nhằm tăng cường công tác bảo đảm VSATTP trong dịp Tết, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm như: bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản,... Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn liên ngành, chính quyền… trên địa bàn tỉnh, triển khai kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông, kinh doanh thực phẩm. Trong đó các đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ… Nhằm mục tiêu là loại trừ các loại thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không có nguồn gốc, thực phẩm chế biến từ nguyên liệu kém phẩm chất, hết hạn sử dụng để đảm bảo những bữa ăn, mâm cỗ ngày Tết ngon và sạch cho người tiêu dùng. Sáng suốt lựa chọn thực phẩm sạch Những ngày Tết nguyên đán đang cận kề, người tiêu dùng lại một lần nữa bị rơi vào “ma trận” của thực phẩm sạch và bẩn... Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải ra chợ để lựa chọn nguyên liệu, để có được những bữa cơm đủ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh cho gia đình trong dịp nghỉ Tết. Để không còn nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường vào cuộc thì vấn đề tự ý thức và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng thực phẩm. Và đặc biệt hơn cả là sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng bằng những kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy của người nội trợ hãy “Nói không với thực phẩm bẩn”.Cần lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng. Để bảo đảm các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ gia đình, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc, đặc biệt là những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình. Người dân không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng. Bởi khi đó, nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.Cần nghiêm túc thực hiện ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cần lưu ý đến khâu bảo quản thực phẩm. Trước khi sử dụng thực phẩm cần kiểm tra màu sắc, mùi vị… tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Phương Anh |