LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay2210 
 Hôm qua4096
 Tuần này9719 
 Tất cả6490954 
IP: 44.200.171.156
 
 
PHÁT THANH
Gương người tốt việc tốt
Người thầy thuốc vì hạnh phúc và nụ cười của trẻ thơ
(Cập nhật: 21/03/2018)
 

Năm 1993, trước tình trạng bệnh nhân khoa Răng hàm mặt rất ít, luôn chỉ có từ 5 đến 7 bệnh nhân, đã có lúc lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghĩ đến việc sát nhập khoa Răng hàm mặt vào khoa Tai mũi họng. Đứng trước tình hình đó, bác sĩ Bùi Quang Trì – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ nhiệm chương trình Phẫu thuật nụ cười đã họp ban lãnh đạo bệnh viện và nhất trí tìm hướng phát triển cho khoa Răng hàm mặt. Việc đầu tiên là củng cố lại tổ chức, điều động bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn đang làm phó khoa Khám bệnh về làm trưởng khoa Răng hàm mặt. Biên chế cho khoa lúc bấy giờ là 7 nhân viên (3 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên và 1 hộ lý). Những ngày đầu phụ trách tại khoa, bác sĩ Phấn rất trăn trở phải làm sao thực hiện tốt công việc mà giám đốc bệnh viện tin tưởng giao phó.


Bác sỹ Nguyễn Hữu Phấn (đứng giữa) kiểm tra công tác khám chữa bệnhkhi đang giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn kể: “Tôi đã xin ban giám đốc bệnh viện cải tạo sửa chữa lại các phòng làm việc của khoa, phòng bệnh nhân vì trước đó là khu nhà kho. Sau đó cử các bác sĩ, kỹ thuật viên đi thăm quan học tập ở Viện Răng hàm mặt (RHM) Trung ương, mời các thầy về hợp tác và chỉ dẫn với hình thức cầm tay chỉ việc để rút ngắn khoảng cách biên giới kỹ thuật. Chỉ sau 6 tháng, các kỹ thuật phẫu thuật khe hở môi, khe hở hàm ếch đã được các y, bác sĩ trong khoa tự thực hiện, đồng thời tiến hành cùng Chương trình nha học đường trong toàn tỉnh Hải Hưng. Công việc của khoa lúc đó dường như đã bắt đầu cuốn hút, sức ép của các cháu bị dị tật khe hở môi, khe hở vòm miệng ở Hải Hưng ngày một đông. Lực lượng mời các bác sĩ ở Viện Răng hàm mặt về mổ có hạn, mỗi tuần được hai ngày và mỗi ngày chỉ được 2 ca khe hở môi và 1 ca khe hở vòm miệng. Do thiếu dụng cụ nên các thầy trên trung ương mổ sáng, khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại mượn dụng cụ để mổ chiều rồi mang trả lại viện RHM ngay để viện mổ sáng hôm sau (lúc đó dụng cụ mổ vòm miệng rất đắt khoảng 2.500 USD, mà Viện Răng hàm mặt trung ương chỉ có 1 bộ duy nhất do Mỹ tài trợ), trong khi đó, kinh phí bệnh viện còn hạn hẹp, sức ép mổ theo chương trình mà Ủy ban Bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em (UBBVCSBMTE) giao ngày càng tăng. Các cháu dị tật khe hở môi, hở vòm miệng do bố mẹ tham gia chiến tranh để lại hậu quả cho con em Hải Hưng là rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của UBBVCSBMTE tỉnh có khoảng 500 đến 600 cháu bị khe hở môi và khe hở vòm miệng, để thanh toán được số trẻ bị mắc dị tật này cũng phải mất rất nhiều năm.” Tháng 7/1994, cùng với sự tài trợ của UBBVCSBMTE tỉnh Hải Hưng, sự kèm cặp giúp đỡ của giáo sư Trần Văn Trường – Viện trưởng Viện RHM Việt Nam; cố giáo sư Nguyễn Khắc Giang và tập thể bác sĩ khoa phẫu thuật hàm mặt Viện RHM Trung ương và sự trưởng thành của các bác sĩ khoa RHM Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật thành công 100 ca khe hở môi và hở vòm miệng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, đem lại nụ cười cho các cháu và niềm vui cho nhiều gia đình, gây tiếng vang trong quần chúng nhân dân.


Năm 2005, cùng với sự quan tâm của giám đốc bệnh viện, Sở Y tế và UBND tỉnh, khoa RHM đã đảm nhiệm 150 ca (tăng 50 ca so với năm 2004). Khắc phục một số khó khăn như lực lượng chi viện phẫu thuật viên của Viện RHM trung ương không còn nữa. Bác sĩ Phấn đã cùng các kíp mổ của khoa tự mổ độc lập và có nhiều cải tiến đột phá như sắp xếp lịch mổ, đưa bệnh nhân vào nhà mổ khoa học, giảm thời gian chờ đợi cho gia đình các cháu mà vẫn đảm bảo phẫu thuật an toàn đạt thẩm mỹ cao. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phẫu thuật, trang thiết bị về dụng cụ mổ vòm miệng của khoa còn thiếu, bác sĩ Phấn đã cùng với các bác sĩ trong khoa nghiên cứu sáng chế ra bộ pank mở miệng để mổ vòm miệng (hàm ếch). Đề tài đã được hội đồng giáo sư Viện RHM trung ương nghiệm thu đánh giá cao đưa vào sử dụng. Giáo sư Trần Văn Trường – Viện trưởng Viện Răng Hàm mặt Trung ương đánh giá “Đề tài có tính cải tiến sáng chế dụng cụ đạt độ phù hợp với sinh lý trẻ em Việt Nam, khác biệt với trẻ em nước ngoài, thuận lợi trong thao tác, phẫu thuật tiết kiệm thời gian. Đề tài được Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng sáng tạo, được UBND tỉnh, Sở Y tế, UBCSBMTE tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bệnh viện… đánh giá cao. Đồng thời, khoa Răng hàm mặt còn đảm nhiệm chương trình nha học đường được Viện Răng hàm mặt Trung ương chọn làm thí điểm, với nhiệm vụ điều trị, tham gia công tác chăm sóc răng miệng cho cộng đồng, triển khai chương trình chăm sóc răng miệng cho tất cả trẻ em các trường tiểu học trong tỉnh.


Năm 2005, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn về nghỉ chế độ nhưng vẫn tham gia làm công tác lãnh đạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và khám chữa bệnh tại nhà. Hơn 10 năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Phấn đã đóng góp công sức không nhỏ đưa bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngày càng phát triển và có uy tín trong tỉnh.


Với những cống hiến không ngừng cho Chương trình phẫu thuật nụ cười và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và nhiều bằng khen, giấy khen khác./.

                                                                           Hải Hà
 
Các bài liên quan
Nữ y sỹ tận tâm với nghề (08/03/2018)
Nữ quản lý tâm và tài. (15/12/2017)
Hai đoàn viên tham gia hiến máu cứu người (12/12/2017)
Thanh Miện: 2 Nhân viên y tế hiến máu cứu bệnh nhân (01/12/2017)
Điều dưỡng hiến máu cấp cứu bệnh nhân (27/11/2017)
 
Quay lạiXem tiếp