Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ (monkey pox). Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, hiện có khoảng 22.485 ca bệnh xác định tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bệnh đậu mùa khỉ chưa xuất hiện tại nước ta, song trước tình hình dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với các dịch bệnh khác đang lưu hành tại nhiều địa phương. Để chủ động, tích cực phòng bệnh đậu mùa khỉ Bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cầnnhận biết các dấu hiệu và biện pháp phòng bệnh sau đây: 
Hình ảnh tổn thương da khi mắc bệnh đậu mùa khỉ Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua hai con đường: Đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ. Virus này cùng họ virus với bệnh đậu mùa. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự như các triệu chứng bệnh đậu mùa, nhưng nhẹ hơn và bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong. Bệnh lây qua 2 con đường: -Từ động vật sang người: do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như chuột, khỉ; tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể hoặc các tổn thương bên ngoài của động vật bị nhiễm bệnh; tiêu thụ thịt chưa nấu chín từ động vật bị nhiễm bệnh. -Từ người sang người: do tiếp xúc trực tiếp với tổn thương trên da, máu, dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh; qua giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc trực diện (không đeo khẩu trang), kéo dài; tiếp xúc thân mật, chẳng hạn như hôn, quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam; tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng của người nhiễm bệnh; lây truyền từ mẹ sang con. Dấu hiệu nhận biết Bệnh có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi. Ngoài ra, người bệnh có thể có triệu chứng khác như đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2-4 tuần. - Phát ban: có thể trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước xuất hiện trên mặt, bên thành miệng và trên các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Ban nước sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trước khi hồi phục hoàn toàn. Bệnh thường kéo dài 2-4 tuần. Đôi khi, triệu chứng đầu tiên sẽ là phát ban, sau đó mới tới các triệu chứng khác. Một số người có thể chỉ bị phát ban mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào nữa. Phát ban thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể, có thể bao gồm cả bộ phận sinh dục và hậu môn. Ban đậu mùa khỉ đôi khi bị nhầm lẫn với ban của bệnh thủy đậu. Bắt đầu với những nốt, sau đó thành những mụn nước nhỏ chứa đầy dịch. Những mụn nước này cuối cùng sẽ đóng vảy và sau đó tự rụng mất. Mặc dù các ca bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi nhưng ở các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú hoặc người đang mắc bệnh cấp hoặc mãn tính như sốt xuất huyết, ung thư…nếu không được theo dõi, điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nặng, bao gồm: tổn thương mắt (giảm thị lực, sẹo giác mạc), viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết, viêm não,…và có thể dẫn tới tử vong. Biện pháp phòng bệnh - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người/ động vật. - Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định. - Tránh tiếp xúc với người/động vật có nguy cơ mắc bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ). - Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh. - Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tự cách ly, tránh tiếp xúc với người lành và báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cách ly, điều trị. Đối với vắc xin đậu mùa khỉ (vắc xin sửa đổi Ankara) hiện nay Tổ chức Y tế thế giới chỉ khuyến khích tiêm cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao (nhân viên y tế, nhân viên phòng xét nghiệm…), chưa khuyến cáo tiêm chủng đại trà vào thời điểm này. Phương Anh |