Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lộc ghi nhận 4 trường hợp sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, 2 trường hợp nội địa và 2 trường hợp ngoại lai, không có trường hợp nào biến chứng nặng hoặc tử vong. Để chủ động phòng chống dịch, ngay sau khi phát hiện các ổ dịch SXH, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Trung tâm y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng và dập dịch kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tiến tổng vệ sinh môi trường trên các khu vực có bệnh nhân. Chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh; yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành Y tế; tiến hành thu gom rác thải, phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh, lật úp các vật dụng chứa nước làm nơi đẻ trứng của muỗi truyền SXH. Tổ chức tập huấn chuyên môn về phòng chống sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế đóng trên địa bàn. Tổ chức thu dung điều trị, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân nghi ngờ mắc SXH gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định nguyên nhân để có biện pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời khi dịch bệnh SXH phát sinh. Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Thu Hương |