Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tại thời điểm 1/4/2019, dân số nước ta là 96.208.984 người, trong đó người cao tuổi chiếm gần 12%. Theo dự báo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050, đất nước ta bước vào giai đoạn “dân số rất già”. Tại Hải Dương, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh (năm 2009 người cao tuổi chiếm 11,5%, năm 2019 tăng lên là 15,5%). Hải Dương là tỉnh đứng thứ hai trên toàn quốc về già hóa dân số. %20(1).jpg) Khám răng miệng cho người cao tuổi tại xã Tuấn Hưng (Kim Thành)
Người cao tuổi hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại tỉnh ta, 76% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn; khoảng 45% người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, ít có tiết kiệm để chi tiêu khi tuổi già, trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc thường xuyên, chủ yếu là lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương. Tuy vậy, người cao tuổi được tiếp cận rất hạn chế với các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm.
Trong bối cảnh chung về tình trạng sức khỏe người cao tuổi; người cao tuổi tại Hải Dương mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao; tuổi thọ trung bình 74,9 tuổi, cao hơn cả nước nhưng số năm sống khỏe mạnh còn thấp (chỉ khoảng 64 năm); Chăm sóc y tế cho người cao tuổi mặc dù được cải thiện, song khả năng tiếp cận của nhóm người cao tuổi có thu nhập thấp còn rất hạn chế, chi phí trung bình cho điều trị ở người cao tuổi thường cao gấp 7-8 lần so với trẻ em.
Xác định được thực trạng và những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan và Hội Người cao tuổi các cấp, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được triển khai thực hiện đồng bộ ở các địa phương. Ngành Y tế đã chủ trì, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, khám và điều trị các bệnh, tật, góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, từ năm 2013, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh được Sở Y tế giao là đầu mối triển khai Mô hình “Tư vấn và Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” với 15 câu lạc bộ, đến nay sau 8 năm triển khai, Mô hình đã mở rộng và duy trì được 60 câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi", với khoảng 4.200 thành viên. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, người cao tuổi được chia sẻ các thông tin về chế độ dinh dưỡng hợp lý, cách phòng các bệnh thường gặp như tăng huyết áp, tim mạch, suy giảm trí nhớ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe định kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số người cao tuổi được khám sức khỏe là 159.500 người, tăng 5.200 người so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, tại tỉnh được sự hỗ trợ của Tổ chức Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam, đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 34 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau góp phần phát huy và chăm sóc người cao tuổi, chú trọng giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Hưởng ứng Ngày quốc tế Người cao tuổi 01/10 năm nay với chủ đề "Chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi", các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân hãy quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc, phát huy người cao tuổi; không chỉ quan tâm đến sức khỏe, đến đời sống vật chất, tinh thần người cao tuổi mà còn phát huy vai trò của người cao tuổi để người cao tuổi tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm xây dựng quê hương, đất nước. Người cao tuổi cần vận động, sinh hoạt điều độ để có sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.
Chi Cục Dân số - KHHGĐ (Hải Hà)
|