Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi rút dại gây ra, tác động lên hệ thần kinh Trung ương. Người bị mắc bệnh do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị tổn thương của động vật (thường là chó, mèo). Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều dẫn đến tử vong với tỉ lệ 100%.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế thị xã Chí Linh đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại cho 343 người, chủ yếu là do bị chó, mèo cắn. Trong tháng 6/2017, anh Bùi Quang Th, 48 tuổi ở thôn Cổ Mệnh, xã Bắc An, thị xã Chí Linh đã tử vong do mắc bệnh dại vì chủ quan không tiêm phòng sau khi bị chó của nhà cắn. Đang tiêm phòng dại, ông Nguyễn Mạnh Cường (thị xã Chí Linh) cho biết: “Hôm qua, tôi bắt chó nhà mang đi bán do không cẩn thận nên bị cắn vào chân, qua các kênh thông tin, tôi thấy bị chó cắn là rất nguy hiểm nên sáng nay phải đến đây tiêm phòng ngay, đề phòng bệnh dại”. Bà Nguyễn Thị Tình tại Xã Hoàng Tiến bị chó nhà (đang ốm) cắn vào tay cũng đã đến cơ sở y tế để tư vấn và điều trị dự phòng. %20ti%C3%AAm%20ph%C3%B2ng%20d%E1%BA%A1i%20t%E1%BA%A1i%20TTYT%20th%E1%BB%8B%20x%C3%A3%20Ch%C3%AD%20Linh.jpg)
Ông Nguyễn Mạnh Cường (Sao Đỏ) đang tiêm phòng dại tại TTYT thị xã Chí Linh. Là người trực tiếp tư vấn và tiêm phòng, điều dưỡng Vũ Thị Ngọc Lan cho biết: hàng tháng nhiều người dân đến đây để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn song trên thực tế vẫn còn có tình trạng người bị chó nghi dại cắn sau khi bị phơi nhiễm không đi tiêm phòng ngay.
Theo Bác sĩ CKI Đồng Thế Hữu - Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế thị xã Chí Linh: “Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không được tiêm vắc xin phòng dại kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao do vi rút dại gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, người bệnh phải xối rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng đặc trong vòng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn...Trong lúc rửa, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó, bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng”.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Trung tâm y tế thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống hiệu quả. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: tiêm phòng cho 100% chó, mèo và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị chó, mèo nghi dại cắn để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời. Tuyệt đối không nhờ thầy lang thử bệnh dại, tự chữa bằng thuốc nam tại nhà. Trần Anh Tuấn TTYT thị xã Chí Linh
|