Ngày 26.10.1990, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Hội Y tá Điều dưỡng Việt Nam tiền thân Hội Điều dưỡng Việt Nam sau này. Tháng 1.1992, Sở Y tế Hải Hưng đã tổ chức hội nghị và thống nhất thành lập Ban cố vấn thông qua chương trình Đại hội gồm 9 thành viên; Ban vận động đại hội gồm 11 người là y tá điều dưỡng trưởng của một số bệnh viện. Thành lập Ban thường trực chỉ đạo Đại hội gồm 6 người. Ngày 27.1.1992, UBND tỉnh đã quyết định số 83/QĐ-UB thành lập Hội Điều dưỡng. Cùng với sự phát triển của hệ thống y tế trong tỉnh, từ chỗ chỉ có 796 hội viên ở 15 chi hội ban đầu, qua 6 kỳ đại hội đến nay Hội điều dưỡng tỉnh đã quy tụ 2981 hội viên ở 24 chi hội chiếm tỷ lệ trên 60% nguồn nhân lực của ngành y tế. Trên 87% hội viên có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Mạng lưới hội viên ở các chi hội rộng khắp tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện và bệnh viện ngoài công lập, cơ sở đào tạo cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh. Song hành với hoạt động phát triển hội, Hội điều dưỡng tỉnh chú trọng tăng cường năng lực chuyên môn cho hội viên. Hàng năm phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh và Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân tỉnh mời các giảng viên Trung ương như: Trung ương hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, phổ biến kiến thức cho các hội viên về: kiểm soát nhiễm khuẩn, nghiên cứu khoa học điều dưỡng, sư phạm y học cho hàng ngàn lượt điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên; phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý cho Điều dưỡng trưởng, tiêm an toàn, an toàn người bệnh. 
Hội chú trọng việc tổ chức thi tay nghề, hội thi điều dưỡng giỏi đã tạo nên phong trào tự học tập, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng giao tiếp ứng xử của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, tạo được sự lan tỏa trong ngành y tế và xã hội. Định kỳ 3 đến 5 năm phối hợp với Sở y tế và Công đoàn ngành tổ chức các hội thi Điều dưỡng, Hộ sinh giỏi cấp cơ sở đến cấp ngành. Hàng năm mỗi chi hội đã tổ chức được từ 4-5 lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp cho hội viên. Điển hình là Chi hội Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Mắt- Da liễu; Phục hồi chức năng và các Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Gia Lộc... Song hành với hoạt động chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến được Hội điều dưỡng tỉnh quan tâm. Trung bình, hàng năm có hơn 30 đề tài lĩnh vực công tác điều dưỡng được công nhận đề tài cấp cơ sở. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến 2016 hội đã thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành quản lý và được áp dụng có hiệu quả; được hưởng 02 dự án: 01 dự án của Hội Điều dưỡng Việt Nam là nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho 02 bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện Đa khoa Hòa Bình năm 2010; và 01 dự án của Quỹ Châu Á – Tổng Liên Đoàn lao Động Việt Nam giai đoạn (2019 - 2020) về Luật lao động và công đoàn. Chương trình kiểm tra giám sát nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động chăm sóc bệnh nhân được Hội duy trì thường xuyên, bằng hình thức giám sát định kỳ, giám sát đột suất, lấy phiếu ý kiến thăm dò người bệnh, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, giao tiếp của cán bộ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên...qua đó biểu dưỡng khen thưởng những cá nhân, những chi hội thực hiện tốt, đồng thời chỉ rõ những tồn tại để đơn vị khắc phục. Các chi hội tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đúng quy chế chuyên môn cũng như các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc ghi chép phiếu chăm sóc, theo dõi chức năng sống người bệnh, phiếu công khai thuốc được các chi hội chú trọng. Nhiều chi hội đã có sáng kiến rút ngăn khoảng cách giữa hội viên điều dưỡng và người bệnh, đem lại sự thoải mái, tình cảm thân thiện, gần gũi cho người bệnh trong quá trình đến khám và điều trị. Nhiều hội viên có trình độ chuyên môn tay nghề vững vàng, kinh nghiệm xử lý tình huống linh hoạt, phù hợp thực tiễn, với tinh thần trách nhiệm cao đã tránh được những căng thẳng, áp lực do người nhà người bệnh tạo ra; đồng nghĩa với việc phối hợp tốt với các cán bộ y tế trong công tác cấp cứu đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tỉnh Hải Dương là điểm nóng của cả nước về đại dịch Covid-19 với những làn sóng dịch vô cùng khốc liệt. Các cán bộ điều dưỡng không quản hiểm nguy rình rập cận kề, nhiều người đã phơi nhiễm virus nguy hiểm chết người này vẫn lao vào tâm dịch để đồng lòng dập dịch. Điển hình cá nhân điều dưỡng Vũ Thị Tình, cán bộ Trạm Y tế Văn Tố, Tứ Kỳ đã ra đi mãi mãi sau khi trên đường trực chốt chống dịch trở về nhà. Công việc chống dịch áp lực, cán bộ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đã không quản ngày đêm đi “từng ngõ, gõ từng nhà”, thực hiện tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; thu gom quản lý chất thải tại các khu cách ly không để lây lan ra cộng đồng. Tổ đưa đón vận chuyển người bệnh F0 đi các bệnh viện dã chiến, các khung F1 đi cách ly tập trung; Tổ vận chuyển mẫu xét nghiệm; Tổ soạn, phân loại mẫu xét nghiệm; Tổ phun hóa chất khử khuẩn… Nhiểu Tổ phải làm việc 24/24h không có thời gian nghỉ để hoàn thành công việc truy vết lấy mẫu xét nghiệm. Không chỉ căng mình chống dịch Covid-19 tại địa phương, nhiều điều dưỡng xung phong lên đường vào tâm dịch nóng tại các tỉnh bạn Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…để hỗ trợ chống dịch. Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, hàng ngàn điều dưỡng trên địa bàn tỉnh đã tham gia tiêm hàng triệu liều vaccine phòng bệnh cho người dân. Hơn 2 năm thực hiện phòng chống dịch bệnh, đội ngũ cán bộ y tế Hải Dương tham gia quản lý phục vụ tại các cơ sở cách ly tập trung cho hàng nghìn người; Thực hiện quản lý, hướng dẫn theo dõi sức khỏe/cách ly tại nhà, nơi lưu trú cho trên 200 nghìn lượt người. Có thể khẳng định đội ngũ điều dưỡng đã cùng với ngành Y tế góp phần to lớn vào thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với hoạt động chuyên môn, Hội Điều dưỡng tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm lo đời sống hội viên; tham gia bảo vệ quyền lợi khi hội viên không may xảy ra các sự cố y khoa; các hoạt động công tác xã hội được triển khai sâu rộng; tham gia xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp; hiến máu nhân đạo; tư vấn, giám định và phản biện; tích cực tham gia vào việc đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Y tế, Luật khám chữa bệnh… Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, qua 6 kỳ đại hội, Hội điều dưỡng tỉnh đã trải quan bao khó khăn, thử thách, song với tinh thần đoàn kết gắn bó mật thiết trong mái nhà chung của Hội, các chi hội, hội viên đã sát cánh, đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hội Điều dưỡng tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân, phòng chống dịch bệnh...Hội đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng của các cấp; nhiều chi hội trở thành điểm sáng trong hoạt động khám chữa bệnh. Hình ảnh người cán bộ điều dưỡng được người dân trân trọng, tin yêu hơn xứng đáng là những chiến sỹ áo trắng hết lòng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Ly Chủ tịch Hội điều dưỡng tỉnh |